Đọc sách cũng giống như đi giày, giày của người khác, của người nổi tiếng chưa chắc đã vừa chân chúng ta; đọc sách cũng giống như ăn cơm, thức ăn của các nhà dinh dưỡng học chưa chắc đã phù hợp với chúng ta; đọc sách cũng giống như du lịch, cung đường của các nhà lữ hành chưa chắc đã là cung đường tốt nhất với chúng ta.

Rất nhiều những hoạt động tuyên truyền hay những bài viết nói về chuyện đọc sách đều lấy việc giới thiệu các cuốn sách làm chủ đạo, nhưng bàn về vấn đề đọc sách, tôi muốn bàn về phương thức đọc và bản thân việc đọc sách nhiều hơn. Mỗi chúng ta đều là một cá thể riêng rẽ, chúng ta không thể nào có những trải nghiệm y hệt nhau thông qua việc đọc cùng một cuốn sách.

Chúng ta ai cũng mong muốn thành công, muốn đạt được một mục đích nào đó thông qua việc đọc sách. Cái gọi là "mọi con đường đều dẫn đến thành Rome", ý muốn nói, bạn đọc sách của mình, đi con đường của mình, chỉ cần bạn kiên trì đọc sách, chỉ cần bạn đọc sách dựa theo tuổi tác, hứng thú, sở thích, nhu cầu tâm lý, khả năng lý giải và giai đoạn tuổi tác của mình, đọc thứ mình cần, theo đuổi thứ mình muốn, vậy thì bạn nhất định sẽ đạt được mục tiêu cuối cùng.

Đọc sách là một điều rất thần kỳ. Chúng ta chỉ sống một cuộc đời, nhưng thông qua đọc sách, chúng ta có thể trải nghiệm hàng ngàn hàng vạn cuộc đời khác nhau, đắm mình trải nghiệm cuộc sống của nhiều thời đại khác nhau. Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường. Loài người vốn không có cánh, nhưng đọc sách sẽ chắp cánh cho chúng ta, cho chúng ta một trí tưởng tượng phong phú, đây chính là sự kì diệu của việc đọc sách.

Những thứ tươi đẹp nhất đều tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta. Mặc dù được sống trong thời đại điều kiện vật chất được cải thiện, đầy đủ hơn rất nhiều, nhưng những trăn trở, mệt nhọc, mâu thuẫn, đau khổ của chúng ta thì vẫn luôn tồn tại. Vậy những lúc hoang mang, mơ hồ như vậy, chúng ta làm sao để giải tỏa cảm xúc, để trở nên an tĩnh hơn, dựa vào đâu để tiếp tục lạc quan mỉm cười đối mặt với cuộc sống? Đọc sách có thể giúp bạn. Một người, chỉ khi đọc nhiều mới có thể có một tư duy tinh tường, một khả năng nói và trình bày vượt trội. An ủi mà vật chất đem lại cho con người là có hạn, nhưng sự an ủi về mặt tinh thần mà đọc sách đem lại cho con người lại là vô hạn. Bí quyết để luôn tràn đầy năng lượng và trở thành một người có khí chất và nội hàm từ bên trong ra bên ngoài phải được khám phá thông qua việc đọc sách.

Henry David Thoreau trong cuốn Walden có nói: "Không bao giờ là quá muộn để buông bỏ định kiến" , tương tự, một người, bất kể khi nào bắt đầu đọc những cuốn sách mình thích cũng đều không muộn. Trong cuốn Kinh Vệ Đà kinh điển của Ấn Độ có nói, "Tất cả sự khôn ngoan thức dậy với bình minh" . Ý muốn nói con người là phải có ánh sáng, và đọc sách chính là ánh sáng đó, khi bạn đọc, tâm hồn và ánh mắt đều sẽ được ánh sáng chiếu rọi, trí tuệ sẽ theo đó mà xuất hiện, và bạn sẽ có những cái hiểu vô cùng tích cực về cuộc sống.

Mục đích của việc đọc sách không gì khác ngoài việc mở mang đầu óc, trưởng thành về trí tuệ cảm xúc, giải tỏa sự hoang mang và tận hưởng cuộc sống. Con người, ai cũng muốn hướng đến sự quý phái và nho nhã, rất nhiều người có tiền một cái là lập tức đi mua các món hàng xa xỉ, cố gắng đắp những thứ đắt tiền vào mình, và cho vậy là sang. Nhưng, chính xác thì quý phái và nho nhã là gì? Tôi nghĩ đó là một người đủ can đảm và bình tĩnh dù có phải đối mặt với những áp lực khủng khiếp ra sao. Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Hemingway đã nói: "Lòng dũng cảm là phong thái nho nhã dù áp lực ra sao". Vì vậy, quý phái và sang trọng không phải là những thứ bên ngoài, không phải là biệt thự hay xe sang mà chính là lòng tốt và sự bao dung, là mạnh mẽ và điềm tĩnh, là sự kiên định của bạn khi đối diện với mọi người và với thế giới. Kiên trì đọc sách là cách hiệu quả nhất để đạt được sức mạnh này.

Nếu bạn không học đọc, dù đời sống vật chất của bạn có phong phú đến đâu, bạn cũng sẽ mất đi vẻ rực rỡ nên có. Khi mới bắt đầu biết đọc, chúng ta phải sử dụng phương pháp "vỗ mông", tức là đọc kiểu cưỡng chế. Điều này được truyền cảm hứng từ lối sống thức tỉnh, tức là ai cũng nên khóc khi mới sinh ra, làm vậy để mở ra phế nang và bắt đầu tuần hoàn máu, để não bắt đầu lấy oxy. Đối với trẻ sinh ra mà không biết khóc thì người ta thường vỗ vào mông trẻ để chúng khóc. Tương tự, đọc sách cũng vậy, chúng ta phải chủ động và đồng thời cũng cần có chút "bắt buộc" ở trong đó, tuyệt đối không để thế giới bên ngoài làm phiền, không để điện thoại di động, máy tính và một số bong bóng thông tin khống chế não bộ của ta. Nếu bạn có thể kiên trì đọc sách và hình thành thói quen đọc suốt đời, việc đọc sách sẽ trở thành bùa hộ mệnh của bạn. Khi bạn chán nản, đau khổ, hãy thử mở một cuốn sách bạn thích vào lúc này, nó có thể cứu sống bạn hơn bất cứ thứ gì.

Alexander Ivanovich Herzen là một nhà văn Nga mà tôi rất thích, ông nói, "mục đích cuối cùng của cuộc sống chính là bản thân sinh mệnh" . Sau khi đọc xong các tác phẩm của ông, tôi nhận ra rằng mình đã phạm phải rất nhiều sai lầm. Khi còn trẻ, tất cả những gì tôi nghĩ là mình phải nên được cái gì lớn lao, sự nghiệp phải thật rực rỡ, cứ như vậy, tôi viết lách không kể ngày đêm, nghỉ ngơi vô cùng ít ỏi, sau này tôi phát hiện ra mình sai rồi. Tất nhiên, người trẻ có một lợi thế là sức khỏe, là thời gian để đi liều mình cố gắng, nhưng không thể lấy danh lợi làm mục tiêu cuối cùng, mà phải học cách tiến bộ qua từng giai đoạn của cuộc đời, phải có cái nhìn và hiểu biết rõ ràng, khách quan hơn về xã hội, về cuộc sống ở mỗi bước ngoặt của cuộc đời.

Tôi nghĩ rằng đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, người ta cần đọc một chút triết lý. Nhiều người cho rằng triết lý quá sâu sắc và khó hiểu, nhưng thực tế không phải vậy. Isaiah Berlin, một triết gia người Anh đương đại, nói rằng "một trong những mục đích chính của triết học là tự hiểu mình". Các tác phẩm triết học của ông rất hấp dẫn, quá trình đọc chúng sẽ khơi dậy suy nghĩ của chúng ta. Người ta phải học cách sống tốt từng khoảnh khắc, đó là một trong những triết lý của Berlin. Bởi lẽ toàn bộ vũ trụ và thiên nhiên luôn thay đổi, chúng ta phải biết cách trân trọng hiện tại thay vì trông chờ vào ngày mai. Nhiều người cứ luôn bỏ qua thực tế mà mải mê với những giấc mơ xa vời, đây là một ảo tưởng rất nguy hiểm. Thông qua việc đọc sách, chúng ta có thể học cách suy nghĩ và trở nên sáng suốt hơn, biết đọc sách là để có thể sống rõ ràng hơn; đọc sách là để bản thân hiểu và biết tận hưởng cuộc sống hơn.

Trung Quốc có một câu thành ngữ là "bất cầu thậm giải", có nghĩa là có những người đọc rất nhiều sách, nhưng họ lại chẳng hiểu mình đang đọc cái gì. Điều này liên quan đến câu hỏi làm thế nào để chọn sách, tôi tóm gọn nó trong 10 từ: "đọc những gì bạn thích, mưu cầu sự hiểu biết". Vậy thì, sẽ có người hỏi, làm thế nào để bạn biết mình thích một cuốn sách hay không? Tôi nghĩ rằng khi cầm một cuốn sách nào đó lên, chúng ta có thể xem trang đầu tiên, sau đó là trang giữa và trang cuối, chỉ cần nhìn vào ba trang này, nếu bạn thích, hãy đọc, còn nếu không, hãy bỏ xuống, đơn giản vậy thôi! Tất nhiên, sẽ có người nói rằng làm vậy có thể bỏ sót một cuốn sách hay, nhưng điều đó không quan trọng, giống như tôi khi đọc Kinh Kim Cương , hồi đó tôi đã mua bộ kinh kinh điển này, tôi mở ra rồi đặt xuống nhiều lần, tôi thấy mình chưa đủ trình độ để lĩnh ngộ được nó. Và một ngày 10 năm sau, tôi phát hiện ra rằng mình đã có thể lĩnh ngộ được những gì viết trong cuốn sách này, và càng đọc thì tôi càng bị thu hút.

Đọc sách, kị nhất là đọc theo tâm lý đám đông, đừng nghe quảng cáo và đừng xem tuyên truyền. Bạn phải thích nó, và điều quan trọng nhất là bạn phải có "duyên" với cuốn sách này. Đọc cũng giống như yêu đương vậy, cần phải có duyên và thích ngay từ cái nhìn đầu tiên thì mới đọc được. Đừng lo về việc liệu chúng ta có bỏ lỡ mất một cuốn sách hay hay không, bởi lẽ mọi người ở mỗi độ tuổi khác nhau sẽ thích những cuốn sách khác nhau, có thể cuốn sách bạn đặt xuống ngày hôm nay sẽ là cuốn sách mà bạn thích vào ngày mai.

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu đọc sách. Chẳng hạn, trong đơn vị của chúng tôi có một bác tài xế già. Một ngày nọ ở tuổi 50, bác ấy tình cờ thấy một cuốn sách về xoa bóp y học Trung Quốc trên ô tô, bỗng dưng "nổi hứng", vậy là bác ấy chuyên tâm đọc, cố gắng tìm hiểu và tự tay thực hành. Vài năm sau, đơn vị có ai mà mỏi cổ, mỏi tay đều sẽ tới nhờ bác ấy xoa bóp, người nhờ xoa bóp cũng phải xếp hàng. Đọc sách, dù chỉ đọc một đoạn hay một phần của cuốn sách, bạn cũng cần phải chuyên tâm vào để đọc, để hiểu và để thấm.

Khi bạn hiểu được một cuốn sách nào đó, là khi bạn lĩnh ngộ được những gì tác giả muốn truyền đạt, là khi bạn có được hiểu biết của một người hiểu biết, rồi sử dụng nó để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Đó chính là điều kì diệu và lợi ích của việc đọc sách.