Là bộ phim lấy bối cảnh thời Đường của Trung Quốc, Đại Đường Minh Nguyệt mang đến cho khán giả khung cảnh tuyệt đẹp cùng những bộ trang phục tinh xảo, không thua kém bất kỳ bộ phim cổ trang cung đình nào trước đó.
Nói đến thành công của một bộ phim cổ trang, bên cạnh kịch bản hấp dẫn thì tạo hình các nhân vật, trang phục và phụ kiện chính là những yếu tố giúp tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Đi được hơn một nửa quãng đường, Đại Đường Minh Nguyệt (tên gốc: Phong Khởi Nghê Thường ) nhanh chóng chiếm được cảm tình của người xem vì sự tinh tế, tỉ mỉ của phục trang trong phim. Dường như nhà sản xuất Đại Đường Minh Nguyệt đã nghiên cứu kỹ các yếu tố lịch sử khi tái hiện điều này trong phim.
Trang phục chỉn chu đến từng nhân vật phụ
Khác với các triều đại trước, quan điểm của phụ nữ thời Đường có phần phóng khoáng. Cũng có không ít người lầm tưởng rằng, phụ nữ thời này có dáng vẻ "mình hạc xương mai" và gương mặt thanh tú. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Quy chuẩn cái đẹp của thời bấy giờ là tròn trịa, phụ nữ càng đẫy đà lại càng quyến rũ. Dàn nữ diễn viên trong phim Đại Đường Minh Nguyệt cũng vì thế đều sở hữu gương mặt khá bầu bĩnh. Chính Cổ Lực Na Trát khi vào vai nữ chính Lưu Ly đã phải tăng cân để thể hiện đúng yêu cầu ngoại hình của vai diễn.
Với tư tưởng tự do, trang phục của phụ nữ thời Đường cũng không tuân thủ chặt chẽ các quy tắc truyền thống. Theo sử sách ghi lại, trang phục nữ giới thịnh hành nhất thời bấy giờ là "tề hung nhu quần". Đây là loại trang phục áo trên váy dưới, cổ áo có thể vuông, thẳng hoặc xẻ sâu hình tim để lộ táo bạo một phần cổ và trên ngực. Khi kết hợp với dải lụa khoác hờ trên cánh tay, cùng lối trang điểm môi son anh đào, tô hoa điền trên trán và chân mày kẻ lá liễu rất thịnh hành thời Trinh Quan càng tôn lên vẻ uyển chuyển, thướt tha của người phụ nữ.
Môi son anh đào, tô hoa điền trên trán và chân mày kẻ lá liễu là lối trang điểm rất thịnh hành thời Đường
Nếu như xiêm ý của nữ giới có phần cầu kỳ, nam trang trái lại khá giản dị. Các thanh niên thường mặc áo viên lĩnh (cổ tròn). Cổ áo này khi mở ra tạo thành kiểu áo phiên lĩnh (cổ lật) cũng rất phổ biến thời bấy giờ. Với hai kiểu trang phục này, người đàn ông trở nên phong độ, hoạt bát mà không mất đi khí chất nho nhã, cao quý.
Cữu phụ (bác) của Lưu Ly trong trang phục Phiên lĩnh điển hình của người Hồ
Đặc biệt, xu hướng giả trang nam táo bạo của nữ giới thời đại này cũng được đưa lên phim một cách tinh tế. Khi Khố Địch Lưu Ly nhập cung dưới thân phận y quan trong Bất Lộc Viện, cô xuất hiện khác lạ trong áo viên lĩnh trắng, đội mũ đường cân như một nam nhân "thứ thiệt".
Lưu Ly trong trang phục nam: áo viên lĩnh, mũ đường cân
Nếu phục trang trong hai bom tấn cung đấu Diên Hi Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện sử dụng gam trầm, Cung Tâm Kế lại có phần chói lóa xa hoa, thì Đại Đường Minh Nguyệt lại mang đến một màu sắc tươi tắn rực rỡ. Phim sử dụng gam màu "pastel" với các tông tươi sáng, mang đến cho khán giả không khí nhẹ nhàng, vui tươi. Tùy theo địa vị và tính cách, mỗi nhân vật sẽ được thiết kế những bộ trang phục với màu sắc riêng biệt.
Gam màu phục trang trong phim Cung Tâm Kế, Diên Hi Công Lược và Đại Đường Minh Nguyệt
Những màn chế tạo trang phục tỉ mỉ
Không chỉ "vẽ" một bức tranh phong phú về trang phục, Đại Đường Minh Nguyệt còn tiến xa hơn khi lần đầu "thị phạm" cho khán giả trọn vẹn quá trình chế tác các bộ y phục cầu kỳ.
Từ khâu lên ý tưởng, phác thảo kiểu dáng, phối màu, chọn lựa chất liệu vải và thêu hoa văn, tất cả đều hết sức kỳ công, tỉ mỉ. Toàn bộ quá trình đều phải chuẩn xác, bởi vì bất kỳ sai sót nào cũng có thể làm hỏng thành quả chuẩn bị công phu. Câu chuyện của A Nghê, chủ tiệm may Như Ý Giáp Hiệt là một ví dụ. Dành cả tháng trời để hoàn thiện bộ sam y, thế nhưng, chỉ vì sử dụng loại vải chưa qua xử lý, dễ bị co rút và bay màu, tác phẩm của A Nghê lập tức bị biến dạng..
Hoa văn chim trĩ trên lễ phục Hoàng hậu
Trước đó, khán giả cũng được dịp trầm trồ với bộ lễ phục địch y của Hoàng hậu trong tay thiên hạ đệ nhất châm An Thị, mẹ của Lưu Ly. Trên áo có rất nhiều mảng hoa văn chim trĩ được thêu công phu bằng chỉ tơ nhiều màu. Thợ thêu không chỉ dụng công phối hợp nhiều kỹ thuật phức tạp để đạt đến độ chuyển màu sống động, mà còn dùng cả chỉ vàng để thêu bắt nét các đường bao, đường viền các hoạ tiết, tạo nên sự lộng lẫy cho lễ phục cao quý nhất của nữ nhân thời Đường.
Các mẫu thêu tinh xảo trong phim
Bộ phim Đại Đường Minh Nguyệt bao gồm 40 tập, đang được lên sóng hằng ngày trên sóng Youku.
Lưu Ly giăng bẫy khiến kẻ thù giết mẹ năm xưa vào đại lao
Nguồn ảnh: Chụp màn hình
0 Comments
Post a Comment